Tuyến đường dài 14,1 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Cộng Hoà – Trường Chinh (quận Tân Bình), sau đó chạy dọc các tuyến Cộng Hoà – Bùi Thị Xuân – hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) – Bắc Hải – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).
Ý tưởng làm tuyến trên cao này do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đề xuất. Theo đơn vị, công trình khi xây dựng sẽ kết hợp 3 đường trên cao đã có trong quy hoạch gồm số 1, 2 và 3, tạo thành trục giao thông đô thị bắc nam kết nối với đường Vành đai 2, liên kết khu vực nội và ngoại thành. Ngoài ra, công trình khi hoàn thành giúp chỉnh trang đô thị khu vực nút giao Lăng Cha Cả (khoảng 4,9 ha, quận Tân Bình), cù lao Nguyễn Kiệu (2,7 ha, quận 4).
Đề xuất nói trên được Sở Giao thông Vận tải đánh giá phù hợp định hướng phát triển giao thông tại thành phố. Để thực hiện, Sở kiến nghị thành phố kêu gọi đầu tư dự án theo hai phương án: giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp các bên liên quan làm công tác chuẩn bị (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi), đấu thầu chọn nhà đầu tư. Phương án khác là Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư làm đề xuất dự án PPP.
Theo quy hoạch, TP HCM có 5 đường trên cao dài gần 71 km. Mới đây tuyến số 5 giai đoạn một (nút giao Trạm 2 – ngã tư An Sương), tổng vốn hơn 15.400 tỷ đồng được doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu đầu tư hình thức BOT, dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2025. Ngoài tuyến này, đường trên cao số 1 dài 9,5 km (nút giao Lăng Cha Cả – đường Ngô Tất Tố), tổng vốn 17.500 tỷ đồng cũng đang được đề xuất sớm thực hiện.
Các tuyến còn lại được quy hoạch gồm: số 2, dài gần 12 km, điểm đầu giao tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả, điểm cuối tại quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh); tuyến số 3 dài 8 km, điểm đầu giao tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10), điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Linh (quận 7); tuyến số 4 dài 7,3 km, điểm đầu giao tuyến số 5 trên quốc lộ 1, điểm cuối giao tuyến số 1 ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).
Gia Minh – Vnexpress